Di tích kiến trúc - nghệ thuật Chùa Thanh Nhàn

Chùa Thanh Nhàn (có tên chữ là “Linh Sơn tự”) tọa lạc tại ngõ 331 đường Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo tấm bia trụ tại chùa niên hiệu Vĩnh Thịnh (1721) thì ngôi chùa Thanh Nhàn được xây dựng từ thời Lê trên đất thôn Thanh Nhàn, phường Yên Xá (xứ Ông Mạc), tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Trải đã qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa Thanh Nhàn vẫn bảo lưu được hầu hết các hạng mục công trình kiến trúc vốn có trước đây như: Chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, ao sen, sân chùa, vườn tháp mộ và gần đây mới được tu bổ, xây dựng thêm nhà khách, nhà bia và tam quan. Chùa chính có kết cấu hình chữ “đinh” bao gồm: Bái đường và hậu cung, chính giữa bờ nóc đắp bức đại tự “Linh Sơn Tự”. Phần trang trí trong kiến trúc chùa chính nhẹ nhàng, các chủ đề và họa tiết chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Bên cạnh giá trị kiến trúc, chùa Thanh Nhàn còn bảo lưu được khối lượng di vật phong phú cả về số lượng và giá trị lịch sử nghệ thuật. Điển hình là các tấm bia đá cổ (9 tấm bia), bia sớm nhất có niên hiệu Bảo Đại năm Tân Sửu (1721), bia có niên đại muộn nhất, được dựng vào 20 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 11 (1935). Những tư liệu bia đá cổ này không chỉ giúp cho việc xác định về sự tồn tại của ngôi chùa, nhận diện rõ hơn về địa hình phía đông nam của kinh đô Thăng Long xưa. Ngoài ra, chùa có hệ thống tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Tổ gồm 61 pho lớn nhỏ (trong đó có hai pho được đúc bằng đồng), 02 quả chuông đồng được đúc vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) và các hiện vật khác hoành phi, câu đối, đồ thờ tự... đều được sơn son thếp vàng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Thanh Nhàn là ngôi chùa ra đời để phục vụ tín ngưỡng Phật giáo của người dân địa phương nói riêng và của người Việt nói chung. Cũng như nhiều ngôi chùa cổ của làng xã Việt Nam, bên cạnh việc thờ Phật, trong chùa còn có điện Mẫu, thờ bà chúa Liễu Hạnh - cũng được coi là một trong Tứ bất tử của dân gian Việt Nam. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947 - 1949), chùa Thanh Nhàn còn là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật, nơi in ấn tài liệu của Đảng. Tất cả đã tạo nên ngôi chùa khá độc đáo trong kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, lịch sử Việt Nam. Năm 2003, chùa Thanh Nhàn được xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Thành phố và được thành phố Hà Nội gắn biển di tích lịch sử cách mạng năm 2005.