Di tích lịch sử Miếu Hai Bà Trưng

Miếu Hai Bà Trưng (còn gọi là miếu Hai Bà) tọa lạc tại số 680 đường Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhân dân địa phương còn gọi theo địa danh hành chính của địa phương là miếu Đồng Nhân. Miếu thờ Trưng Trắc và Trưng Nhị làm Thành hoàng làng. 
Theo truyền thuyết dân gian, sau khi chiến đấu oanh liệt với quân nhà Hán, cuối cùng Hai Bà đã nhảy xuống dòng Hát Giang tự vẫn, thi hài đã hoá thành hai pho tượng bằng đá trôi ra sông Nhị về xuôi. Đó là hai pho tượng lớn, phát sáng, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay trỏ lên trời, một chân quỳ một chân ngả. Hai pho tượng trôi trên mặt nước, khi tới bãi sông làng Đồng Nhân thì dừng lại, dạt vào bờ.Theo sách Việt sử lược thì vào tháng Giêng năm Canh Thìn thứ 21 (1160), dân làng Đồng Nhân lập đền thờ Hai Bà ở ngay cạnh bờ sông. Triều đình đã cấp cho miếu hai voi gỗ sơn đen nhưng có ngà thật để thờ phụng Hai Bà. 
Đến năm 1819, khi bãi Đồng Nhân bị lở, dân làng Đồng Nhân được triều đình cho chuyển đền Hai Bà đến thôn Hương Viên (nay là quần thể di tích quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng), thì một số người dân vẫn tiếp tục sinh sống tại đây và xây dựng lại ngôi miếu thờ tưởng nhớ Hai Bà. 
Đến nay, miếu đã được tu bổ nhiều lần, miếu thờ chính được tu bổ vào năm 1998. Miếu có quy mô kiến trúc nhỏ, kết cấu hình chữ “đinh” gồm cótam quan, đại bái, hậu cung và hai dãy dải vũ.Các đề tài trang trí của tam quan mang đặc trưng của thời Nguyễn, giữa tam quan đắp nổi 4 chữ Hán “Hùng Liệt Tinh Linh” nghĩa là “Hồn thiêng anh hùng lẫm liệt”.
Hiện nay, miếu còn lưu giữ các di vật đồ thờ tiêu biểu như: Hương án, long ngai, bài vị, bộ kiệu long đình, sập thờ, bát bửu, các cây nến đồng, bát hương đá… mang phong cách thời Nguyễn; 1 đạo sắc phong năm Chính Hoà nguyên niên (1680) và một số câu đối trên tường của di tích.
Hàng năm, vào ngày 5 tháng 2 âm lịch, nhân dân Đồng Nhân bãi và nhân dân Đồng Nhân trong phố cùng làm lễ thờ cúng Hai Bà Trưng. Ngày mùng 5/2 âm lịch hàng năm là ngày cấp thủy, 5 năm một lần sẽ tổ chức Lễ hội truyền thống rước nước vào ngày này. Nhân dân rước kiệu từ đền Đồng Nhân về miếu Hai Bà Trưng vào buổi sáng, dừng kiệu tại miếu, đem đôi choé xuống thuyền rồng bơi ra giữa dòng sông Hồng lấy nước. Sau khi làm lễ tại miếu Hai Bà Trưng đến chiều lại rước nước về đền Hai Bà Trưng (đền Đồng Nhân thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân) để làm lễ Mộc dục (lễ tắm tượng).
Miếu Hai Bà Trưng tuy nhỏ nhưng cùng với đền thờ chính đã được nhân dân luôn tôn kính, thờ phụng, biết ơn đối với những người có công trong lịch sử dân tộc. Miếu Hai Bà Trưng được xếp hạng Di tích lịch sử, Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 05/2/1994.