Chùa Tổ Ông

  • Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng
  • 271 Lượt xem
  • 0 Lượt thích

Chùa Tổ Ông tên chữ Hán là Linh ứng tự, tọa lạc tại địa chỉ số ngõ 79 Lò Đúc, thuộc phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo tư liệu lịch sử, vào cuối thế kỷ XVIII, đời hậu Lê có một số thợ từ vùng Kinh Bắc đã tới mở lò đúc đồng tại thôn Đức Bác và dựng nên chùa Tổ Ông thờ Phật và tổ sư Nguyễn Minh Không, tổ của nghề đúc đồng. Ngoài ra chùa còn có tấm bia “Ký sám gia tiên bi ký” dựng năm Tự Đức 10 (1857) quả chuông chùa Linh Ứng (Linh Ứng tự chung) đúc năm Thành Thái 10 (1899) là những cổ vật quý xác định thời điểm khởi dựng di tích. 
Dưới sự tác động của thời gian, kiến trúc di tích thời kỳ khởi dựng của ngôi chùa đã không còn nữa. Chùa nhìn hướng Đông Bắc, kết cấu chữ “Đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Cửa giữa Tiền đường là hai tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác. Bên trong bài trí các ban thờ: Bên trái thờ Tam tòa Thánh Mẫu, bên phải ban Đức Thánh Hiền, sát tường hồi đặt tượng Địa Tạng vương bồ tát. Nối liền với tiền đường là ba gian Thượng điện chạy dọc về phía sau.
Hệ thống di vật, tượng thờ của di tích được bài trí tập trung tại Thượng điện. Phía trên treo các bức cửa võng, hoành phi, cột treo các đôi câu đối phong cách nghệ thuật thế kỷ XX. Bên cạnh đó, chùa còn có hệ thống tượng chùa: Tam thế, Thích Ca sơ sinh, Phạm Thiên, Đế Thích và tượng thiền sư Nguyễn Minh Không mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Sự có mặt của tượng Thiền sư với vai trò của một vị tổ nghề, một bậc cao tăng đắc đạo tại vị trí trung tâm tòa Phật điện chùa Tổ Ông đã khẳng định vị trí hết sức quan trọng của Người trong tâm thức nhân dân địa phương cũng như lịch sử hình thành của ngôi chùa. Vai trò, vị trí của thiền sư với di tích được ghi lại tại đôi câu đối ở gian giữa Tiền đường, hai bên Tượng Hộ Pháp:
Phiên âm:            

“Minh Không thị tổ linh hảo tự
 Danh lưu tộc thế tự Lê triều”

Dịch nghĩa:           

Minh Không là tổ của ngôi chùa tốt, linh thiêng
Tên tuổi lưu ở họ tục từ triều Lê.

Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không là hiện thân quyền lực linh thiêng của Phật giáo hưng thịnh thời Lý, là thiền sư cao tăng đức trọng, là bậc thánh Tổ có công sưu tầm, phục hưng nghề đúc đồng ở Việt Nam và được lập đền thờ ở nhiều nơi.