Di tích kiến trúc - nghệ thuật Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng

Quần thể di tích Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng tọa lạc tại số 12 phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cụm di tích gồm 3 hạng mục chính: Đền Hai Bà Trưng nằm ở vị trí trung tâm, bên trái là chùa Viên Minh, bên phải là đình Đồng Nhân. 
Đền Hai Bà Trưng (hay còn gọi là đền Hai Bà, đền Đồng Nhân) là nơi thờ Hai Bà Trưng và 6 vị nữ tướng thân tín. Đền được xây dựng từ triều Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 3 (1141), nổi bật với lối kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Trong đền bảo lưu nhiều di vật quý như:2 pho tượng Trưng Trắc và Trưng Nhị; 28 đạo sắc phong (trong đó có 19 đạo sắc thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và 9 sắc thời Nguyễn); tượng thờ; bia đá cổ, tượng 2 ông voi, bộ kiệu thời Nguyễn cùng nhiều cửa võng, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng tạo nên sự lộng lẫy, trang trọng nơi điện thờ. Hàng năm, Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức từ mùng 5 - 7/2 âm lịch, Ngày mùng 5 tháng 2 âm lịch diễn ra lễ cấp thủy, 5 năm một lần sẽ diễn ra lễ rước nước vào ngày này (tổ chức rước nước từ miếu Hai Bà Trưng - phường Bạch Đằng về đền Hai Bà Trưng - phường Đồng Nhân để thực hiện nghi lễ Mộc dục (lễ tắm tượng)
Nằm sát bên phải đền Hai Bà Trưng là đình Đồng Nhân – nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương, Quốc Vương Thiên Tử, thần Đô Hồ Đại Vương và các vị thủy thần có công phù trợ cho cư dân sống ở ven sông. Năm Canh Thìn niên hiệu Bảo Đại (1940), đình được trùng tu lại với bố cục mặt bằng kiến trúc chính kiểu chữ “đinh” gồm: Tiền tế, hậu cung và các hạng mục nhà tạo soạn. Đìnhhiện đang lưu giữ 17 đạo sắc phong (trong đó có 4 đạo sắc thời Lê Trung Hưng, 1 sắc thời Tây Sơn và 12 sắc thời Nguyễn); 2 tấm bia đá ghi việc tu bổ đình. Ngoài ra còn có các di vật bằng gỗ như: 2 pho tượng phỗng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; hạc thờ, khám, cửa võng, hoành phi, câu đối chạm khắc đề tài “tứ linh”, “tứ quý” tất cả đều được sơn son thếp vàng tạo nên sự trang nghiêm, lộng lẫy nơi điện thờ Thần.
Nằm bên trái đền là chùa Viên Minh (hay còn gọi là chùa Đồng Nhân, chùa Hai Bà), tên chữ Hán là “Viên Minh Tự”, tục truyền là tên gọi theo pháp hiệu của Hai Bà Trưng khi được triều đình nhà Lê tôn lên thành Phật. 
Theo bia “Viên Minh thiền tự kỷ niệm bi ký” có niên hiệu Bảo Đại thứ 7 (1932) ghi lại lịch sử xây dựng chùa và việc trùng tu, sửa chữa qua 6 đời các vị sư Tổ trụ trì ở chùa. Chùa được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XIX với bố cục hình kiểu chữ “công” gồm: Tiền đường; Thiêu hương; Thượng điện; Nhà bia lưu niệm sự kiện lịch sử cách mạng; Cổng phụ; Gác chuông; Nhà Tổ; Nhà Mẫu và khu vườn tháp.Hiện tại, chùa còn lưu giữ được nhiều di vật quý bao gồm: Chuông đồng niên hiệu Gia Long 11 (1812); Hệ thống tượng Phật thế kỷ XIX, XX và hệ thống câu đối, hoành phi, cửa võng, y môn, cuốn thư... Đặc biệt, chùa Viên Minh còn là cơ sở hoạt động cách mạng, Sư tổ Thích Đàm Thu (thế danh Nguyễn Thị Khói) là người yêu nước đã có nhiều công lao nuôi giấu, bảo vệ giúp đỡ cách mạng từ năm 1946 - 1954”. Chùa Viên Minh đã được thành phố gắn biển di tích cách mạng kháng chiến năm 2005.
Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 31/12/2019, quần thể di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.