Di tích lịch sử Đình Văn Hưng

Đình Văn Hưng (hay còn gọi là đình Quỳnh Lôi) tọa lạc số 14 ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đình là nơi thờ Thành hoàng của làng Quỳnh Lôi trước đây. Đình được xây dựng rất sớm để thờ Đô đốc Thượng Đẳng Trần Trân, Cao Sơn Đại Vương, Đống Vĩnh Đại Vương, tiến sỹ Ngô Sách Tuân (1695), phúc thần Lê Bùi Vị và Diệu Vĩ Công Chúa.
Theo ghi chép trên tấm bia được dựng vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692) do Vũ Thạnh soạn có tiêu đề “Tân tạo Quỳnh Lôi đình huệ điền”. Đây là văn bia đình có niên đại sớm ở quận hai Bà Trưng ghi việc xây lại đình Quỳnh Lôi và cúng ruộng cho dân làng phụng thờ Thành Hoàng làng. Đình được khởi dựng năm 1692, quy mô to lớn. Trong nhiều năm, do ít được coi sóc, ngôi đình lâm vào cảnh dột nát. Khoảng năm 1986, đình bị giải hạ và thay vào đó là Nhà máy bia Haliđa và trường Tiểu học của phường. Năm 1987, đình được phục hồi tạm như hiện nay. Năm 2008, nhà dải vũ của đình được tu bổ, tôn tạo lại.
Đình có bố cục mặt bằng kiến trúc chính kiểu chữ “nhất” quay theo hướng Tây Nam bao gồm: Cổng đình, sân, 1 nếp nhà cấp 4 sử dụng làm nơi thờ Thành hoàng, 1 nếp nhà cấp 4 làm nơi thờ Bà chúa Kho, nhà bia, nhà kho và trụ sở làm việc của cơ quan thuộc UBND phường Vĩnh Tuy.
Hiện nay đình đang còn lưu giữ các di vật gồm: Sắc phong, chuông, hoành phi, câu đối, cuốn thư, kiệu, tượng và đồ thờ khác. Đây là nguồn sử liệu trong việc nghiên cứu lịch sử ngôi đình nói riêng, nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Quỳnh Lôi, của Thăng Long – Hà Nội nói chung.
Hàng năm vào ngày 15/3 âm lịch, lễ hội đình Quỳnh Lôi được tổ chức, nhân dân địa phương dâng hương lễ Thánh, rước kiệu từ đình Quỳnh Lôi ra chùa Quỳnh Lôi và rước về đình. Các trò chơi trong lễ hội gồm cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, văn nghệ chào mừng. Với giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, năm 2020, di tích đình Văn Hưng (Quỳnh Lôi) được công nhận là di tích cấp Thành phố.