Di tích kiến trúc - nghệ thuật Đình Đại

Đình Đại là một ngôi đình cổ, tọa lạc tại ngõ 198 Đình Đại, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Phường Cầu Dền xưa thuộc đất phường Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (trước là phủ Phụng Thiên). Đến năm 1848, Hồng Mai được đổi tên thành Bạch Mai. Đình Đại còn được gọi là đình Bạch Mai vì gọi theo tên địa danh của làng. Đình Đại có quy mô kiến trúc lớn và cổ kính nên dân làng đặt tên là đình Đại. Đình Đại thờ Thành Hoàng là Cao Sơn đại vương.
Theo tấm bia đá cổ có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) thì đình được khởi dựng từ Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Đình trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Lần thứ nhất vào năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774), lần thứ hai vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829) và gần đây nhất là năm 1998. Hiện nay, ở đình còn lưu lại trên câu đầu của gian giữa tiền đường có ghi dòng chữ: “Dựng cột vào ngày 20 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1774), khánh thành vào ngày 11 năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774)”.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, đình Đại là cơ sở hoạt động cách mạng. Vào năm 1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã treo cờ Việt Minh tại cây đa trước cửa đình, cổ vũ tinh thần cách mạng trong quần chúng nhân dân. Năm 1943 - 1944, đình là nơi phân phát lương thực cứu đói cho dân, cũng là kho chứa thóc gạo. Ban đêm, sân đình là nơi dùng để tập luyện, vũ trang dạy võ cho các đội dân quân tự vệ, (lúc này bắt đầu hình thành đội Việt Minh). Năm 1942 - 1945, đình là nơi dạy học chữ quốc ngữ của phong trào bình dân học vụ.
Đình Đại được xây dựng theo hình chuôi vồ và quay theo hướng Đông chếch Nam. Mái đình lợp ngói bò, trên nóc mái chính giữa được đắp một bức đại tự “Bạch Mai Đình Đại”. Đặc biệt, đình Đại đang còn lưu giữ được nhiều di vật như: Các sắc phong thần gồm 03 đạo sắc phong cho hậu thổ linh thần, 07 đạo sắc phong cho Cao Sơn Thượng Đẳng thần, sớm nhất là sắc năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), muộn nhất là sắc năm Khải Định thứ 9 (1924); Hai bia hậu có niên hiệu từ thời Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719) đến thời Nguyễn; Nhang án gỗ (cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII); Hai cỗ kiệu bát cống (thế kỷ XVIII) và 03 Bát hương thờ gồm 01 bát hương đá (thế kỷ XVII, XVIII); 1 bát hương sành (thế kỷ XVIII, XIX); 1 bát hương đồng (thế kỷ XIX). Trang trí trong kiến trúc đình mang phong cách thời Lê, nổi bật với những hình tượng điêu khắc thường gặp trong các mảng chạm trên kiến trúc, bia, chuông có niên hiệu Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị.
Trước đây, đình có lệ xuân thu nhị kỳ (tháng hai và tháng tám) sửa cỗ thờ, mấy giáp chia nhau đăng cai làm khá to. Làng vào đám tháng ba, có rước sắc thần, tế lễ, hát chèo, cờ tướng… Trải qua một thời gian dài tồn tại trên 200 năm, đình Đại vẫn là một di tích lịch sử văn hóa có giá trị nhiều mặt, cần được trân trọng, giữ gìn. Đình Đại được xếp hạng di tích Lịch sử - Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996.