Di tích khảo cổ Đàn Nam Giao

Di tích Đàn Nam Giao, thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. “Nam Giao” trong điển chương của các triều đại phong kiến trước đây là khu vực linh thiêng, có khả năng “Giao” giữa Đất - Trời, giữa Nhân - Thần và đặc biệt là giữa Thiên tử và Thiên Đế.
Theo ghi chép của các thư tịch cổ, bia kí và kết quả khai quật khảo cổ xác định, đây là đàn tế có lịch sử phát triển và tồn tại lâu dài nhất hiện biết, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê và một phần của thời Tây Sơn. Đến thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802-1819), đàn đã thì bị phá để lấy gạch xây thành. Sau đó khu vực nền đàn Nam Giao bị biến thành khu nghĩa địa của thôn Thịnh Yên, mà trong cuộc khai quật đàn này vào năm 2007 - 2008, Viện Khảo cổ học đã tìm được dấu vết của 21 mộ táng có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phá đàn Nam Giao để xây dựng nhà máy diêm. Năm 1956, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo được xây dựng trên nền đất của đàn Nam Giao. Hiện nay toà nhà thương mại Vincom Tower đã được xây dựng ở một phần của khu vực đàn Nam Giao. Như vậy, đàn Nam Giao bị phá hủy hoàn toàn mãi đến năm 2006 được khảo cổ học phát lộ ra. Tiếp theo, vào các năm 2007 và năm 2008 Viện Khảo cổ học và Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội đã tiến hành 3 đợt khai quật khảo cổ học trên phần đất còn lại của khu di tích đàn Nam Giao. Kết quả khai quật đã phát hiện một mặt bằng kiến trúc hình chữ “công” và một kiến trúc khác khá lớn của các thời Lý - Trần - Lê và rất nhiều di vật các loại như mảnh gạch ngói, gốm men Việt Nam và Trung Quốc, đồ sành, vật liệu trang trí kiến trúc.
Qua nghiên cứu các dấu tích của đàn Nam Giao chúng ta còn thấy rõ thêm lịch sử Thăng Long Hà Nội trên các phương diện kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, đời sống văn hóa tâm linh của Thăng Long - Đại Việt dưới các thời Lý - Trần - Lê. Với những giá trị tiêu biểu như vậy, di tích Đàn Nam Giao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích khảo cổ cấp Quốc gia vào năm 2009.