Di tích kiến trúc - nghệ thuật Chùa Chân Tiên

Chùa Chân Tiên (Chân Tiên tự) tọa lạc tại số nhà 151 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa có tên tự là Phúc Lâm.
Theo truyền thuyết, chùa được khởi dựng vào đời vua Lý Thánh Tông (thế kỷ XII), có tên là chùa Báo Thiên ở thôn Tiên Thị (khu vực Nhà thờ lớn). Đến thế kỷ XVIII, chùa bị rời tới thôn An Phụ tức Phụ Khánh (khu vực phố Thợ Nhuộm – Lý Thường Kiệt ngày nay). Vào thời chúa Trịnh, chùa là nơi thờ Tống Thiên Thần vương, một người đã giúp Trịnh Liễu đặt quý địa. Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xây trạm giam Hỏa Lò đã chuyển chùa Chân Tiên và đình Phụ Khánh về chỗ hiện nay. 
Chùa Chân Tiên gồm các hạng mục kiến trúc: Cổng tam quan; Tiền đường và thượng điện; Nhà Tổ; Nhà Mẫu; Trai phòng và vườn tháp. Trong chùa còn giữ được một số di vật, cổ vật tiêu biểu như: Bộ tượng tròn gồm 57 pho được tạo tác từ thời Lê đến thời Nguyễn; Bia “Phụ Khánh Chân Tiên bi ký” dựng năm Tân Sửu niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901), ghi việc trùng tu sửa chữa chùa và đình Phụ Khánh; 12 tấm bia hậu, 6 quả chuông đồng, 237 bản khắc in kinh nhà Phật và một số mảng chạm khắc trên kiến trúc, di vật, đồ tự khí mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX. 
Bên cạnh đó, tương truyền chùa Chân Tiên chính là nơi diễn ra Hội thề Đông Quan năm 1427. Hàng năm, đến ngày 22/11 Âm lịch, lễ kỷ niệm ngày Hội Thề Đông Quan được tổ chức tại chùa Chân Tiên nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, phát huy giá trị lịch sử, tinh thần yêu nước, yêu hòa bình của dân tộc ta.
Ngày 2 tháng 3 năm 1990, chùa Chân Tiên cùng với đình Phụ Khánh (là một cụm di tích tại 151 phố Bà Triệu) đã được công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia.