Đền Tô Hoàng

Đền Tô Hoàng tọa lạc tại ngõ Tô Hoàng, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đền được khởi dựng từ thời Nguyễn thế kỷ XIX. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đền thờ bị xuống cấp. Trước tình trạng đó, năm 2007 đền được tu bổ, tôn tạo tổng thể ngôi đền bằng nguồn vốn xã hội hóa bao gồm: Cổng đền, đền chính, nhà thờ thành hoàng, bếp, sân vườn cảnh quan. Năm 2019, ngoài ba khối kiến trúc của đền chính nằm liền nhau thành hàng ngang và rải rác các am thờ trong khu vực sân, còn có một nếp nhà tạm bên trái đền là khu vực đình Tô Hoàng. Trong cổng khu di tích, áp sát với đình là Nhà Văn hóa số 7 thuộc UBND phường Cầu Dền, phía trước, liền với tường bao của cổng đền có một trụ biểu cũ trước đây còn lại.
Đình Tô Hoàng thờ thần Linh Lang, có năm gian đại đình, hai gian hậu cung được xây dựng vào năm Đinh Hợi (1888). Sau khi hòa bình lập lại (1954), đình có thời gian dùng làm trường học, sau lại sử dụng làm kho cho công trường Thanh Nhàn (1978). Năm 1984, công trường vẫn sử dụng hậu cung và gian hồi trái làm kho chứa đồ, các gian còn lại do UBND phường Cầu Dền sử dụng và làm câu lạc bộ thiếu niên phường Cầu Dền. 
Hiện nay, tuy đình Tô Hoàng không còn song trên tường hậu của đền Tô Hoàng vẫn còn lưu giữ sáu tấm bia đá: “Tô Hoàng thôn Bi ký” được dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865), Đồng Khánh thứ 2 (1887), “Hậu thần bi ký” được dựng năm Khải Định thứ 5 (1920), “Hậu đình bi ký” được dựng năm Bảo Đại thứ 1 (1926). Ngoài ra, bên trong gian nhà dành cho đình, được bài trí hương án và một số đồ thờ tự làm nơi thờ Thành hoàng và một số hoành phi, câu đối và một số thành phần của các hiện vật trước đây còn giữ được như mặt trước hương án (lèo), đòn kiệu, một số mảnh trang trí. Kiến trúc này được giữ nguyên cho đến nay.
Đền Tô Hoàng là một kiến trúc thuộc hình thái văn hóa tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu. Sự tồn tại của di tích cùng hệ thống các di vật, các pho tượng tròn là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về đời sống văn hóa của nhân dân khu vực nói riêng, của Thăng Long – Hà Nội nói chung. Hàng năm, vào những dịp lễ hội Thượng nguyên, vào hè, ra hè, tất niên (15/1; 01/4; 01/7; 15/12 âm lịch) người dân địa phương đến dâng hương, lễ thánh tại đây.