Di tích kiến trúc - nghệ thuật Chùa Quỳnh

Chùa Quỳnh (hay còn gọi là chùa Quỳnh Lôi) có tên chữ là Khánh Long tự, nằm trên địa bàn phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa mang tên của làng là Quỳnh Lôi và được khởi dựng từ rất sớm, có thể từ cuối thời Lý, đầu thời Trần. Đến đầu thời Lê, niên hiệu năm Hoằng Định thứ 7 (1607), chùa có đợt trùng tu lớn được ghi trên văn bia “Trùng tu Long Khánh tự bia” do Phùng Khắc Khoan soạn.
Năm Mậu Thân (1608) làm lễ khánh thành chùa, Phật tử chăng đèn kết hoa lộng lẫy, vua Lê Kính Tông và chúa Bình An Vương Trịnh Tùng cũng đến dự lễ. Đầu thế kỷ XX, chùa bị cháy, sư tổ và nhân dân đã khuyến giáo xây dựng lại theo vẻ cổ kính xưa.Trước Cách mạng Tháng Tám, chùa Quỳnh Lôi là một cơ cở hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ (1944-1945). Tại đây, các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Văn Tiến Dũng... đã được các vị sư trụ trì che chở để hoạt động bí mật. Chùa cũng là nơi hội họp, luyện tập quân sự để chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946).
Chùa Quỳnh Lôi hiện nay còn đang bảo tồn được nét kiến trúc đặc trưng thời Lê và những dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XIX. Tổng thể chùa gồm các hạng mục kiến trúc: Tam quan, sân, chùa chính, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, vườn tháp... Hiện nay chùa còn lưu giữ bộ sưu tập di vật tiêu biểu như: Bốn tấm bia đá, trong đó một tấm bia niên hiệu Hoằng Định 7 (1607), khắc nổi bài văn bia ghi việc trùng tu sửa chữa do chùa Trạng Bùng, Phùng Khắc Khoan soạn. Các tấm bia còn lại niên hiệu thời Nguyễn khắc bài ghi tên, người hung công tiền của và các hạng mục kiến trúc được trùng tu. Hai quả chuông đồng đúc vào năm Duy Tân thứ tư (1910) và năm Bảo Đại ngũ niên (1930), 42 pho tượng lớn được tạo tác vào thế kỷ XIX, trong đó có hai pho tượng Hộ Pháp mang niên đại thế kỷ XVIII. Ngoài các di vật tiêu biểu nêu trên chùa còn lưu giữ nhiều khám thờ, hương án, cửa võng, nghi môn, hoành phi, câu đối, cuốn thư được chạm khắc rất công phu tỉ mỉ và sơn son thếp vàng lộng lẫy mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XIX.
Chùa Quỳnh là một di tích có bề dầy lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm, chùa có quy mô bề thế, cảnh quan thiên nhiên đẹp hữu tình. Hệ thống di vật đa dạng phong phú, có giá trị nghệ thuật văn hóa lâu đời, là một di tích quan trọng, một danh lam thắng tích phía Nam thành phố Hà Nội. Năm 1995, chùa được công nhận di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và được thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến năm 2014.