Chùa Tràng Tín

  • Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng
  • 137 Lượt xem
  • 0 Lượt thích

Chùa Trường Tín (hay còn gọi là Tràng Tín) tọa lạc tại số ngõ số 3 phố Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 
Bài minh văn trên chuông chùa Trường Tín (Trường Tín tự chung) thời Nguyễn niên hiệu Minh Mạng 5 (1824) ghi rằng: “Chùa Trường Tín ta đã được xây dựng từ triều Lê. Tượng Phật trang nghiêm, cung tường tráng lệ, tiếng chày kình rung động tới chư thiên. Từ xưa tới nay là nơi đất báu.”. Qua đó có thể khẳng định rằng, chùa được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVIII), pháp môn Thiền Tông, vị trí đặt chùa là nơi đất đẹp và quý. Chùa xưa khá đẹp, cảnh trí u nhàn, là một danh lam của đất Hà thành. Nhưng từ năm 1954, nhà sư cách mạng Thích Thanh Quán bị giặc sát hại thì chùa ít được coi sóc, dần rơi vào cảnh hoang tàn. Những năm sau, chùa bị chiếm dụng làm nơi ở và nơi sản xuất. Năm 1978, một số hiện vật chùa Trường Tín có đưa sang chùa Quán Sứ gồm: 01 chuông đồng, tượng Đức ông đặt tại Trai đường chùa Quán sứ, tượng Văn Thù và Phổ Hiền đặt tại cung tả hữu trên Thượng điện. Mấy năm sau, ni sư Mạn Đà La từ nước Pháp trở về, nhận thấy rõ giá trị nghệ thuật của các pho tượng và di vật chùa Trường Tín đã thỉnh sang chùa Trúc Lâm ở ngoại ô Paris: 9 pho tượng, hoành phi, câu đối. Năm 2003, sư Thích Gia Quang về trụ trì tại chùa. Do tích cực vận động và thuyết phục, lại được sự hỗ trợ của chính quyền quận Hai Bà Trưng, một số hộ dân đã được di đến nơi ở mới. Trên mảnh đất còn lại của tòa tam bảo và Phật điện rộng 300 m2, người ta đã khởi công dựng lại chùa vào ngày 20-4-2007. Ngày 23-11-2007, công việc được hoàn tất. Ngôi chùa cổ được dựng lại trên đất cũ. Chùa mới Tràng Tín ba gian, hai tầng, mái lợp ngói ta, bốn góc có các đầu đao cong, mang đậm kiến trúc Á Đông. Tầng một là nhà Tổ, điện Mẫu; tầng hai thờ Phật. Phối hợp hài hòa với công trình chính là nhà khách, phòng tăng. Hệ thống tượng thờ và các hiện vật gỗ tại chùa có khung niên đại muộn - thế kỷ XX, XXI nhưng đều được tạo tác hết sức công phu, tỉ mỉ theo phong cách truyền thống khiến tòa Phật điện trở nên đẹp, lung linh và trang nghiêm hơn rất nhiều. 
Chùa Tràng Tín với vẻ đẹp khiêm nhường từ nay trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh và tưởng nhớ đến vị trụ trì chùa Trường Tín, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài và anh dũng của dân tộc của người dân nơi đây.